Tín hiệu tích cực từ​​​​​​​ nghệ thuật Hát Bội : Hành trình “chinh phục” đầy tươi mới

VHO- Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM vừa khép lại ba đêm công diễn vở Chiếc áo thiên nga phục vụ khán giả cũng như tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh vở diễn trước khi lên đường tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An), từ ngày 17 - 28.5 tới.

Tín hiệu tích cực từ​​​​​​​ nghệ thuật Hát Bội : Hành trình “chinh phục” đầy tươi mới - Anh 1

 “Chiếc áo thiên nga” khiến người xem bất ngờ khi sân khấu Hát Bội trở nên gần gũi, sinh động, tươi sáng…

 Chiếc áo thiên nga (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể NSƯT Hữu Danh, đạo diễn Đông Hồ, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu) có sự tham gia của hơn 20 diễn viên cùng dàn nhạc công hùng hậu. Được biết, đây là đoàn nghệ thuật duy nhất phía Nam tham gia Liên hoan trong tổng số 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Chia sẻ với Văn Hóa sau khi đêm diễn thứ 3 kết thúc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM Võ Hồ Hoàng Vũ vui mừng cho biết, đến với Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm nay, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đều cảm thấy rất háo hức và tự tin với tác phẩm của mình. “Để chuẩn bị cho ngày hội lớn định kỳ 3 năm mới tổ chức một lần, Nhà hát đã có kế hoạch chọn kịch bản từ năm ngoái. Sau Tết, cả ê kíp bắt tay vào tập luyện. Ngày 9.5 vừa qua, chúng tôi diễn suất đầu tiên để vừa phục vụ khán giả, vừa để lắng nghe các ý kiến góp ý, nhằm điều chỉnh cho vở diễn được tốt hơn”, ông Vũ bày tỏ.

Trong lần ra mắt Chiếc áo thiên nga này, nhiều khán giả cho biết, khá bất ngờ khi sân khấu Hát Bội trở nên gần gũi hơn, cảnh trí sinh động và mang tính ước lệ cao, trang phục diễn viên đẹp, tươi sáng, lung linh; đặc biệt, phần âm nhạc có sự thể hiện của nhiều loại nhạc cụ… Chia sẻ về những nét mới của vở diễn, NSƯT Hoàng Kha, đảm trách âm nhạc cho hay: “Khi xem, khán giả có thể sẽ nhận thấy lời hát nhẹ nhàng hơn, nhịp có phần nhanh hơn so với những vở Hát Bội trước đây, nên một số người lo ngại Hát Bội không giữ nguyên chất truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định những gì cơ bản nhất, đặc trưng nhất của Hát Bội đều được giữ nguyên, việc thay đổi chỉ là để vở diễn tươi mới và gần gũi hơn với thị hiếu khán giả hiện đại”.

Thạc sĩ, nghệ nhân Nguyễn Thái Bình (Trung tâm Văn hóa TP.HCM), sau khi xem các đêm diễn đã đưa ra nhận xét: “Việc thể nghiệm sân khấu trong Chiếc áo thiên nga, như bối cảnh, nhóm múa, âm nhạc… đã mang lại sắc thái mới mẻ cho vở Hát Bội, tạo sự hấp dẫn hơn với khán giả. So với đêm đầu công diễn, vở đã tiết giảm thời lượng ngắn lại, diễn viên qua thời gian biểu diễn trên sân khấu đến nay vũ đạo rất nhuần nhuyễn, ca tốt, có cảm xúc… Tôi đánh giá cao và tin tưởng tác phẩm mới này của Nhà hát sẽ chinh phục người xem và hội đồng nghệ thuật”.

Khác với các bản dựng Cải lương và kịch nói trước đây, Chiếc áo thiên nga trên sân khấu Hát Bội lần này không đi sâu vào những vấn đề chính trị, thuật trị nước mà tập trung làm nổi bật tâm lý của các nhân vật. Hướng khai thác này khá bất ngờ và vở diễn vì thế cũng đầy nỗi niềm hơn là thể hiện cảm xúc bi hùng quen thuộc của Hát Bội. Qua nghệ thuật Tuồng (Hát Bội), câu chuyện được dàn dựng cuốn hút, kể lại cho người xem về mối tình lãng mạn của Trọng Thủy - Mỵ Châu và phía sau mối tình ấy là sự chi phối của thế mạnh quyền lực và âm mưu xâm lược, chiếm hữu thành Cổ Loa của Triệu Đà.

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, sau Liên hoan, Nhà hát tiếp tục quay trở lại các chương trình biểu diễn của mình, gồm chương trình vào cuối tuần tại Đền Hùng - Thảo cầm viên Sài Gòn, tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt. Tiếp đến, Nhà hát cũng đã có kế hoạch xây dựng các chương trình biểu diễn tại Nhà hát (rạp Thủ đô, Quận 5, TP.HCM) để phục vụ nhân dân. “Những vở lớn nếu biểu diễn tại Nhà hát mới thể hiện được trọn vẹn ý đồ tác phẩm, các cảnh trí, ánh sáng… sẽ lung linh hơn, đồng thời cũng có thể phô diễn hết tài năng của mình. Cùng với đó là chương trình sân khấu học đường mà Nhà hát đã thực hiện nhiều năm nay, đây là chủ trương của lãnh đạo Sở VH&TT TP.HCM cũng như Nhà hát trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học”, Giám đốc Nhà hát bày tỏ.

Được biết, Nhà hát cũng vừa bổ sung lực lượng diễn viên, nhạc công nên có thể tự tin để dựng những vở lớn mà không lo thiếu nhân lực như trước đây. “Hiện đội ngũ bổ sung cũng được tham gia diễn trong vở dự Liên hoan kỳ này. Các em sẽ tham gia diễn những vai nhỏ để từng bước làm quen sân khấu. Ngoài ra, Nhà hát cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn, thông thường sau vài tháng thì các em có thể biểu diễn được, nhờ vậy, giảm dần tình trạng một diễn viên phải đảm đương nhiều vai như trước đây”, ông Vũ hồ hởi cho biết. 

 Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức sẽ diễn ra tại Nghệ An từ ngày 17 - 28.5. Liên hoan có sự tham gia của 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên toàn quốc; quy tụ khoảng 250 diễn viên tham gia 16 vở diễn đến từ 11 đơn vị, gồm: NH Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM, NH Tuồng Việt Nam, NH Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, NH Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), NH Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, NH Nghệ thuật ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, NH Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh và NH Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa.

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc